Quy định về một số trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế

Trong những năm qua, ngành Thuế luôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách, pháp luật thuế đến người nộp thuế (NNT). Bên cạnh đó ngành Thuế ngày càng quan tâm đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ điện tử, đáp ứng triển khai các dịch vụ công trực tuyến, mở rộng thêm nhiều tính năng, tiện ích hỗ trợ NNT trên nền tảng web cũng như trên thiết bị di động nhằm tối ưu hóa sự thuận tiện cho NNT thực hiện nghĩa vụ thuế với Ngân sách Nhà nước (NSNN). Việc tích hợp dữ liệu điện tử của NNT cho nên tình hình khai thuế, nộp thuế, nợ thuế của NNT được cập nhật nhanh chóng trên hệ thống quản lý thuế tại cơ quan thuế các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước khách có liên quan. 

Ngày 27/9 vừa qua, tại trụ sở Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị Đối thoại với gần 300 người nộp thuế tại 5 tỉnh, TP khu vực phía Nam gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị. Tại đây một trong số những nội dung được nhiều cá nhân và doanh nghiệp quan tâm trong suốt thời gian qua là biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Qua số liệu tổng kết được Tổng cục Thuế cho biết, năm 2024 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, nhiều hơn rất nhiều so với năm 2023.

Việc xác định người nộp thuế thuộc diện nợ khó thu được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và không phải tất cả cá nhân nợ thuế đề bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít trường hợp. Việc tạm hoãn xuất cảnh này chỉ thực hiện với những cá nhân, pháp nhân có nợ thuế và thuộc diện có nguy cơ cao không thu hồi được nợ thuế do ra nước ngoài không quay trở lại hoặc rất lâu mới quay trở lại Việt Nam.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau:

“1. Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.”

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh như sau:

“ 5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.”

Và cụ thể theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh như sau:

“1. Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:

a) Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

b) Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

d) Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”

Theo đó, doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ về thuế (doanh nghiệp nợ thuế) thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định. 

Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 như sau:

“5. Người đứng đầu cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 36 của luật này.”

Theo đó, người đứng đầu cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế và đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

 Và quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau: 

“a) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền quyết định gia hạn tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

c) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.” 

Theo đó, kể từ thời điểm doanh nghiệp nợ thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh sẽ có trách nhiệm hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc. Vì vậy, người nộp thuế phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với NSNN để tránh không bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với hành vi nợ thuế căn cứ theo quy định tại: 

Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với hành vi nợ thuế kết thúc khi người vi phạm, người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.

Thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp nợ thuế được căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:

“a) Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản theo Mẫu số 01/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

b) Ngay trong ngày nhận được văn bản tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

c) Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì trong vòng 24 giờ làm việc cơ quan quản lý thuế ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi người nộp thuế biết.

d) Văn bản tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi qua đường bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp văn bản gửi cho người nộp thuế qua đường bưu chính mà bị trả lại và văn bản đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế thì được coi là văn bản đã được gửi.”

Và quy định tại Điều 39 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 như sau: 

“1. Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 36 của Luật này.

2. Trong thời gian tạm hoãn xuất cảnh, khi có đủ căn cứ để hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Luật này gửi văn bản hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người đã bị tạm hoãn xuất cảnh biết.

3. Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, nếu cần gia hạn thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Luật này gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị gia hạn tạm hoãn xuất cảnh biết.

4. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Luật này có trách nhiệm thường xuyên tổ chức rà soát các trường hợp đã bị tạm hoãn xuất cảnh thuộc thẩm quyền để quyết định gia hạn hoặc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện ngay việc tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh sau khi tiếp nhận quyết định của người có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Bài viết trên đây là một số nội dung liên quan đến việc bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế theo quy định của pháp luật mà Đại Lý Thuế Trương Gia chia sẻ. Nếu còn bất kỳ vướng mắc hay vấn đề chưa rõ cần được giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất nhé!

ĐẠI LÝ THUẾ TRƯƠNG GIA

“CẦU NỐI TUYỆT VỜI GIỮA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÀ ĐẠI LÝ THUẾ”

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Kịp thời gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước - Nghị định 109/2020/NĐ-CP
Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ XVI năm 2020
Thời gian bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử
Cục Thuế TP. HCM cảnh báo: Hóa đơn điện tử cũng bị làm giả!!!
Đăng Ký