Livestream bán hàng có phải nộp thuế hay không ?
Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, chủ yếu là tốc độ phát triển của internet. Thương mại điện tử đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.
Sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ giúp các hoạt động kinh doanh thuận lợi mà còn cung cấp nhiều giá trị mới và đáp ứng những nhu cầu mới của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thương mại điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến.
Trong đó hình thức bán hàng qua livestream trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Thực tế, hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và cả người được thuê livestream. Do đó cá nhân có doanh thu và thu nhập từ livestream bán hàng sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với thương mại điện tử nói chung.
Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay livestream bán hàng trên mạng, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Cụ thể, nếu là cá nhân có doanh thu và thu nhập từ hoạt động này sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện theo thuế khoán hoặc kê khai thuế định kỳ.
Tại thông cáo phát đi ngày 1/6, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo Bộ Tài chính, giải pháp này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội. "Sẽ chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế, thay vì hàng chục nghìn cá nhân", cơ quan này cho hay.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, các sàn nắm được đầy đủ thông tin về người mua, các giao dịch bán hàng thành công, doanh thu, chi phí của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đây là cơ sở để họ có thể làm thay người bán hàng.
Theo số liệu gần nhất liên quan đến quản lý thuế từ các tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trong đó bao gồm livestream bán hàng, năm 2023, số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, kết quả thanh tra xử lý vi phạm trong 3 năm, từ 2021- 2023, đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.
Hiện ngành thuế đã bước đầu hoàn thành kết nối dữ liệu với các cơ quan như công an, ngân hàng bước theo hình thức điện tử. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ quản lý kênh thương mại điện tử, kiểm soát các khoản thanh toán trên thương mại điện tử.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát được nguồn thu trong lĩnh vực này.
Trên đây là nội dung Đại Lý Thuế Trương Gia chia sẻ đến Quý Doanh nghiệp về vấn đề nổi bật tại thời điểm hiện nay.
ĐẠI LÝ THUẾ TRƯƠNG GIA
“CẦU NỐI TUYỆT VỜI GIỮA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÀ CƠ QUAN THUẾ”